Tổng kết 10 năm PGS tại Việt Nam: Làm thế nào chúng ta có thể nhân rộng được thành công?

Tổng kết 10 năm PGS tại Việt Nam: Làm thế nào chúng ta có thể nhân rộng được thành công?

17/08/2018

Vào ngày 30 tháng 7 năm 2018, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tổ chức Rikolto đã cùng tổ chức hội thảo “10 năm triển khai Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (PGS) ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và giới thiệu bộ công cụ mới”. Sự kiện này đã kết thúc dự án đúc kết kinh nghiệm về PGS tại Việt Nam để mở rộng và thể chế hóa kéo dài trong vòng một năm. Dự án được tài trợ bởi Liên minh nghiên cứu sinh thái nông nghiệp Đông Nam Á.

Hệ thống nông sản Việt Nam đã trải qua một bước chuyển biến nhanh và sâu sắc. Trong khi nhu cầu về thực phẩm an toàn, chất lượng và rõ nguồn gốc của người tiêu dùng đang ngày càng tăng lên, nguồn cung nông sản an toàn hiện vẫn bấp bênh và các sản phẩm này thường khá đắt đỏ. Một cơ chế đảm bảo chất lượng là điều kiện cần để giúp người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm an toàn thực sự đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí cao, thủ tục giấy tờ và yêu cầu phức tạp không phải lúc nào cũng phù hợp với nông hộ nhỏ và thị trường địa phương. Để giải quyết những thách thức này, nông dân, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác đã tìm ra một hệ thống chứng nhận phù hợp hơn với nông hộ. Vào năm 2008, tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á Đan Mạch (ADDA) lần đầu tiên giới thiệu về Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng sử dụng để chứng nhận rau hữu cơ tại Việt Nam. 10 năm sau, PGS được nhân rộng ra 6 tỉnh và 9 huyện, với sự tham gia của 725 nông dân.

Tại Việt Nam, đảm bảo chất lượng nông sản và sự cam kết của các nhân tố trong chuỗi giá trị bền vững là một thách thức không hề nhỏ

TS. Thái Thị Minh Giám đốc Vùng của Tổ chức Rikolto tại Việt Nam.

Mục đích của hội thảo: 1) Kỷ niệm 10 năm PGS tại Việt Nam, 2) Chia sẻ những kết quả của nghiên cứu đánh giá về PGS ở cấp quốc gia, và 3) Giới thiệu một bộ tài liệu mới dành cho giảng viên, nhằm hỗ trợ những người muốn thành lập và vận hành PGS chất lượng cao tại Việt Nam. Hội thảo hội tụ 60 đại diện từ các nhà hoạch định chính sách, giới học thuật, đối tác quốc tế, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Điều phối viên PGS Việt Nam nhớ lại những dấu mốc quan trọng mà PGS Việt Nam đã đạt được: từ khi mới được thành lập bởi ADDA vào năm 2008 tại Thanh Xuân (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình) đến khi được mở rộng thành một hệ thống đảm bảo chất lượng cho rau an toàn vào năm 2010, nay được vận hành trên 6 tỉnh của Việt Nam. Bà Nhung nhấn mạnh rằng hiện nay rất cần có sự tham gia của các viện nghiên cứu vào việc thu thập số liệu và tổng hợp những bằng chứng có lợi cho PGS.

PGS đóng góp vào việc thay đổi nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, cải thiện điều kiệu lao động và thu nhập cho người nông dân, và giúp khu vực nông thôn phát triển theo hướng bền vững

PGS. TS. Trần Thị Định Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Những kết quả chính của nghiên cứu đánh giá toàn quốc

PGS. Trần Thị Định, người dẫn đầu nghiên cứu đánh giá về PGS, chia sẻ những kết quả chính của nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 4 năm 2018. PGS. Định đã trình bày kết quả phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) của PGS tại Việt Nam và so sánh các cơ chế chứng nhận phổ biến tại Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, các yếu tố làm nên thành công của PGS được nhận diện bao gồm hỗ trợ từ chính quyền địa phương, sự lãnh đạo hiệu quả của liên nhóm và ban điều phối địa phương, liên nhóm được tổ chức giống như cấu trúc của một hợp tác xã, việc sử dụng phương pháp tập huấn có sự tham gia đối với những tập huấn kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng, và kết nối thị trường nhằm đảm bảo người nông dân tiếp tục có động lực và đảm bảo tính bền vững của PGS.

Đọc thêm về kết quả nghiên cứu đúc kết kinh nghiệm về PGS trong bản Tóm tắt: 10 năm thực hiện Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng ở Việt Nam.

Tóm tắt

Chia sẻ quan điểm về tương lai cho PGS tại Việt Nam

Tiếp theo phần báo cáo kết quả nghiên cứu là phần thảo luận bao gồm rất nhiều câu hỏi quan trọng. Chính phủ có nên tham gia vào PGS và làm thế nào để chính phủ có thể tham gia vào PGS? Khu vực tư nhân đóng vai trò gì trong xây dựng và hỗ trợ PGS? Liệu PGS có thể được sử dụng để chứng nhận các sản phẩm trên thị trường truyền thống hay không? Tình trạng của PGS trong tiểu vùng sông Mê Kông hiện đang như thế nào? Liệu chúng ta có thể giữ được danh tiếng và chất lượng của PGS khi mạng lưới PGS địa phương được mở rộng? PGS mang đến những giá trị khác biệt gì so với các hệ thống đảm bảo chất lượng và chứng nhận khác? Ông Pierre Ferrand, điều phối viên của Liên minh nghiên cứu sinh thái nông nghiệp Đông Nam Á chia sẻ suy nghĩ của ông về những sáng kiến đối với PGS tại tiểu vùng sông Mê Kông. Ông nhấn mạnh về khung chính sách và thể chế đã có hiệu lực tại Lào và vai trò của Bộ Thương mại trong việc quảng bá cho nông nghiệp hữu cơ tại Cam-pu-chia. Ở cấp độ vùng, PGS hiện đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp an toàn và thân thiện với môi trường của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Hiểu được tiềm năng của PGS, ADB tham vọng sẽ có thể thuyết phục được các chính phủ phát triển PGS tại tiều vùng sông Mê Kông.

Về việc thực hiện, Việt Nam có PGS phát triển nhất trong tiểu vùng sông Mê Kông. Nhận thức của người tiêu dùng đã tốt hơn và điều đó tạo ra tiềm năng cho sự phát triển nhanh chóng của PGS

Ông Pierre Ferrand Điều phối viên của ALiSEA

Đại diện cho khu vực tư nhân là ông Arup Gupta đến từ công ty Phoenix. Ông khẳng đinh tiềm năng của PGS trong việc tạo ra niềm tin giữa nông dân và khách hàng. Là một công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh gạo hiện đang tìm kiếm nguồn cung gạo bền vững từ nông hộ nhỏ, Phoenix gặp phải rất nhiều thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung gạo chất lượng, ổn định và tin cậy nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Theo ông Gupta, PGS dựa trên sự tin tưởng, chia sẻ kiến thức và kết nối xã hội. Nhờ sự tham gia của các công ty vào PGS, nông dân và người mua đã tin tưởng lẫn nhau và có thể đảm bảo được nguồn cung ổn định cho sản phẩm được chứng nhận PGS. Ông Gupta nhấn mạnh ưu điểm về chi phí thấp của PGS so với các cơ chế đảm bảo chất lượng khác, ví dụ như chứng nhận từ bên thứ 3. Là một cơ chế dựa vào địa phương, PGS cũng giúp theo dõi và giải quyết các vấn đề nhanh và hiệu quả hơn các hệ thống khác.

Theo ông Ngô Văn Nghị từ liên nhóm Thanh Xuân, liên nhóm PGS đầu tiên được thành lập vào năm 2008 bởi tổ chức ADDA, chính phủ cần hỗ trợ khung chính sách cho PGS. Điều này là cần thiết để khách hàng có thể tin tưởng vào PGS và từ đó vị thế của PGS tại Việt Nam được nâng lên. Bà Đỗ Thị Tuyết, Giám đốc hợp tác xã Trác Văn, Hà Nam cho rằng cần thêm đầu tư vào việc tăng tính nhận diện của PGS đối với người tiêu dùng.

Cuối cùng, bà Lê Thị Kim Oanh, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội chia sẻ ý kiến rằng chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng PGS tại Hà Nôi. Hệ thống đã cho thấy tính hiệu quả và tiềm năng giảm chi phí vận hành. Bà Oanh nói: “Chúng ta đang đi chậm nhưng chắc, chất lượng là mục tiêu lớn nhất của chúng ta”. PGS giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, nhờ đó, tăng lợi nhuận. Bà Oanh cũng nói thêm rằng “Nông nghiệp 4.0 sẽ giúp cải thiện PGS

Giới thiệu bộ tài liệu về PGS mới cho giảng viên

Trong suốt quá trình dự án, một bộ tài liệu về PGS đã được xây dựng nhằm khuyến khích các nhà hoạt động xã hội, như các tổ chức phi chính phủ hay chính quyền địa phương muốn hỗ trợ phát triển PGS tại địa phương mình. Bộ tài liệu bao gồm các tài liệu hỗ trợ giảng viên thành lập và vận hành PGS và tài liệu đào tạo nông dân về tiêu chuẩn GAP cơ bản: tài liệu phát tay đào tạo về PGS, tài liệu kĩ thuật PGS, tài liệu phát tay đào tạo về BasicGAP, hướng dẫn kỹ thuật BasicGAP và 3 áp phích. Các áp phích cung cấp những thông tin chính về chức năng của PGS, hướng dẫn về tiêu chuẩn BasicGAP cho sản xuất rau an toàn và những thực hành nông nghiệp tốt phù hợp với BasicGAP. Các tài liệu này sẽ được gửi đến các đối tác địa phương và nông dân để họ luôn được nhắc nhở về việc tuân thủ theo những quy định về PGS và GAP. Bộ tài liệu PGS hiện đang được dịch và sẽ được đăng lên trang tin điện tử của Rikolto vào cuối tháng 8 này.

Con đường tiếp theo của PGS?

Sau 10 năm kể từ khi PGS có mặt tại Việt Nam, các PGS rau hữu cơ và an toàn địa phương đã đạt được những kết quả khả quan về an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, phát triển cộng đồng và tăng thu nhập cho người nông dân. Điểm mạnh của hệ thống là khả năng khích lệ nông hộ nhỏ sản xuất rau an toàn và giúp cho người tiêu dùng tự tin rằng họ đang mua những sản phẩm thực sự an toàn. Nhằm nhân rộng các kết quả khả quan này, các PGS cần phải được nhân lên và tăng quy mô nhằm đáp ứng được nhu cầu đang ngày càng tăng về sản phẩm hữu cơ và an toàn. Để đảm bảo tính bền vững và minh bạch của PGS tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng một khung chính sách cần được xây dựng nhằm nhận diện và hỗ trợ sự phát triển của PGS tại Việt Nam. Rikolto luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn cho những đơn vị muốn thành lập hoặc tham gia những PGS sẵn có

Đọc các khuyến nghị về chính sách liên quan đến PGS của chúng tôi trong bản Khuyến nghị chính sách!

Khuyến nghị chính sách

Lời cảm ơn

Rikolto chân thành cảm ơn bà con nông dân, người tiêu dùng, đại diện các công ty, chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ đã tham gia vào nghiên cứu đúc kết kinh nghiệm về PGS. Lời cảm ơn đặc biệt dành cho các thành viên tham gia vào quá trình phát triển bộ tài liệu PGS: Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Thị Ngọc, trường Đại học Thương mại, TS. Trần Thị Thanh Bình, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, bà Phạm Kim Oanh, Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, và TS. Phạm Thanh Hải, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ. Cuối cùng, chúng tôi xin cảm ơn Liên minh nghiên cứu sinh thái nông nghiệp đã tài trợ thực hiện dự án này thông qua Quỹ hỗ trợ nhỏ.